Trồng Trọt
Rầy phấn trắng hại lúa

Trong vụ lúa Hè Thu năm 2013 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đã có 6.140 ha lúa nhiễm các đối tượng sâu bệnh hại như: rầy nâu (1.826 ha), sâu cuốn lá (841 ha), bênh đạo ôn lá và cổ bông ( 2.416 ha),… Đặc biệt, tại các xã thuôc khu vực Bắc Cái Sắn của huyện Vĩnh Thạnh đã xuất hiện đối tượng rầy phấn trắng gây hại trên lúa giai đoạn từ đẻ nhánh đến đòng-trỗ với mức độ từ thấp đến trung bình.

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam mô tả về điểm hình thái và triệu chứng gây hại trên lúa của rầy phấn trắng như sau:

Rầy phấn trắng (Aleurocybotus sp.) đã được ghi nhận xuất hiện đầu tiên tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang vào vụ Hè thu năm 1998. Từ năm 2011 đến nay, rầy phấn trắng cũng đã  xuất hiện và gây hại rất phổ biến trên  lúa ở một số tỉnh khác như Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang,…
1. Mô tả rầy phấn trắng:
Rầy phấn trắng có vòng đời khoảng 19.43 (±1.3) ngày, dao động từ 17-24 ngày. Phát triển qua 4 giai đoạn: Thành trùng, trứng, ấu trùng và nhộng giả.
*Thành trùng:
 Thành trùng trông giống một loài bướm nhỏ, có hai cặp cánh màu trắng, cặp cánh trước dài, cặp sau ngắn hơn, khi đậu xếp giống hình dáng của một mái nhà,  mạch cánh đơn giản, ít vân cánh.  Khi mới vũ hóa cánh còn yếu và trong suốt, thân màu vàng tươi, di chuyển chậm chạp và chưa thể bay được. Sau khi cánh khô, trên cánh và thân thấy có lớp phấn trắng, bắt đầu di chuyển nhanh nhẹn và bay được. Con cái có chiều dài thân khoảng 0.85-1.05 mm,  và sải cánh 1.98-2.48 mm. Con đực nhỏ hơn, chiều dài thân từ 0.78-0.95 mm và sải cánh 1.55-1.78 mm.
*Trứng:
 Trứng được đẻ rời rạc hoặc từng ổ ở mặt trên và dưới. Mỗi con cái có thể đẻ 7-100 trứng. Chúng thường đẻ trứng  tập trung ở 2/3 lá về phía chóp lá. Thời gian ủ trứng 6-8 ngày. Trứng có hình quả lê hơi thon dài, bề mặt nhẵn bóng, chiều dài trung bình 0.20mm, chiều rộng trung bình 0.09 mm. Trứng hình thon, một đầu hơi nhọn, đầu kia hơi tròn và có cuống ngắn gắn chặt trứng vào biểu bì của lá. Trứng lúc mới đẻ có màu trắng đục, một ngày sau chuyển sang màu nâu nhạt và màu nâu đậm khi sắp trứng nở.  
*Ấu trùng: có 3 tuổi
Tuổi 1: mới nở có 3 đôi chân, hình  bầu dục, hai mắt màu đỏ, chưa có lớp phấn. Chúng di chuyển đến gần gân lá hoặc xung quanh trứng để chích hút. Một ngày sau thì ấu trùng nằm bất động, chân còn cử động. Ngày thứ 2, chân không cử động. Ở ngày thứ 3, phần ống chân thoái hóa chỉ còn  lại phần đùi. Chiều dài ấu trùng  tuổi 1 là  0.25-0.29 mm, chiều rộng 0.09-0.16 mm.Thời gian tuổi 1 là 3-4 ngày.
Tuổi 2: Sau khi lột xác, cơ thể bám chặt vào mặt lá, không còn thấy dấu vết của các đôi chân. Chiều dài 0.40-0.64 mm, chiều rộng 0.20-0.31 mm. Cơ thể có lớp phấn mỏng. Thời gian tuổi 2 là 2-3 ngày.
Tuổi 3: Giống tuổi 2 về hình dạng và màu sắc, không di chuyển. Chiều dài 0.57-1.00  mm, chiều rộng 0.30-0.60  mm.  Thời gian tuổi 3 là  2- 3 ngày. Ở cuối tuổi 3, chúng lột xác và chuyển sang giai đoạn nhộng,  
* Nhộng giả:
Sau  khi  lột xác chuyển sang giai đoạn nhộng, lớp vỏ bên ngoài cơ thể trở nên cứng hơn, tiết ra nhiều chất sáp và dính chặt vào bề mặt của lá. Nhộng có hình bầu dục, cơ thể chuyển sang trắng đục đôi khi có hơi ngã vàng. Chiều dài 0.89-1.09 mm, chiều rộng 0.52-0.62mm. Khi vũ hóa, thành trùng chui ra từ phần đầu để lại trên vỏ nhộng vết nứt hình chữ T. Thời gian nhộng giả 2 đến 4 ngày.
2.Triệu chứng gây hại của rầy phấn trắng:
Rầy phấn trắng gây hại bằng cách chích hút nhựa cây lúa làm cho  lá lúa chuyển sang màu vàng, cây phát triển kém, lá mới mọc ra sẽ bị triệu chứng xoắn lại giống như bị “siết cổ lá”; ở giai đoạn lúa làm đòng,  lá cờ bị xoắn làm  bông trổ không thoát; nếu trổ được hạt lúa sẽ bị lép toàn bộ.Triệu chứng “siết cổ lá” lá rất giống bệnh lùn  xoắn lá do virus. Tuy  nhiên, kết quả giám định của TT. BVTV PN và IRRI bằng Elisa đều cho kết quả âm tính.  
3.Biện pháp phòng trị:  
Để chủ động hạn chế tác hại của rầy cánh trắng nện: Sạ với lượng giống khoảng 100-120 kg/ha, nếu sạ hàng thì khoảng 70-80 kg. Bón phân cân đối giữa đạm lân và kali, không nên bón thừa đạm.
Rầy cánh trắng có rất nhiều loài thiên địch trong tự nhiên như bọ cánh lưới, bọ rùa, bọ xít ăn thịt… Để bảo vệ nguồn thiên địch, không phun thuốc trừ sâu sớm ở đầu vụ.
Do rầy cánh trắng có vòng đời ngắn, lại sinh sản nhiều (mỗi con cái có thể đẻ hàng trăm trứng) và phát triển rất mạnh, khi thấy thời tiết nắng nóng, nên kiểm tra ruộng lúa thường xuyên (phải lội hẳn xuống ruộng, kiểm tra kỹ mặt dưới của lá, hoặc khua động bụi lúa để rầy bay lên). Chú ý những ruộng bón thừa đạm, lúa  phát triển tốt, những ruộng đang ở giai đoạn đòng - trỗ… Nếu thấy mật số cao và có chiều hướng gia tăng thì phải sử dụng thuốc diệt trừ rầy phấn trăng kịp thời bằng một trong những loại thuốc xông hơi nhẹ hoạc dầu khoáng.....Khi xịt, nhớ đưa vòi xịt xuống thấp phía dưới tán lúa để thuốc có thể tiếp xúc được với rầy, rầy dễ chết hơn.

Chi cục BVTV



CÁC TIN KHÁC: